Là một cựu sinh viên luật, người viết đôi khi nhận được câu hỏi từ các bạn sinh viên thế hệ sau về việc làm thế nào để viết một bài luận. Với kinh nghiệm cá nhân, vừa là một cựu sinh viên luật vừa là một người đang theo học cao hơn trong lĩnh vực khoa học xã hội, người viết sẽ dẫn ra một số nguyên tắc và gợi ý về việc viết một bài luận ngành luật bậc đại học. Bài viết chủ yếu là công việc lược dịch Phần 23 – ‘Làm thế nào để viết một bài luận’ trong cuốn sách ‘Những bức thư gửi một sinh viên luật – Một hướng dẫn dành cho sinh viên luật ở trường đại học’ của giáo sư Nicholas L. McBride thuộc Đại học Cambridge (tái bản lần thứ 4), và Bản hướng dẫn cách viết một bài luận cho sinh viên trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Trung tâm kĩ năng học thuật thuộc Đại học Quốc gia Australia. Hi vọng rằng, bài viết này sẽ cung cấp đến những sinh viên ngành luật một góc nhìn tham khảo, mang tính cơ sở, về cách thức thực hiện một bài luận để từ đó rút ra những kĩ năng riêng của mình.
[Bạn có thể hứng thú đọc ’12 phẩm chất sinh viên luật nên (phải) có’ và ‘Bốn lý do nên học luật’ trước khi đọc bài viết này.]
Trả lời một sinh viên luật trong bức thư số 23 với nhan nhề ‘Làm thế nào để viết một bài luận?’, giáo sư McBride đưa ra mười yêu cầu mà mỗi sinh viên luật cần đảm bảo khi đối mặt với bất cứ bài luận nào. Các yêu cầu vừa nhắm vào thái độ của sinh viên và cả bài luận, bao gồm: (i) không lười nhác, (ii) không trả lời vòng vo, (iii) không trình bày rối rắm, (iv) sử dụng ví dụ rõ ràng, (v) viết sáng tạo và hấp dẫn, (vi) sự quan trọng của cái nhìn đầu tiên, (vii) đảm bảo bài luận/luận điểm vững vàng trước sự kiểm chứng, (viii) không nên tránh sự tranh luận, (ix) chú ý đến những tiểu tiết, và (x) không đạo văn. Những đoạn tiếp theo sẽ diễn giải một số nguyên tắc chính.
Về cơ bản, viết luận là một giai đoạn đầu ra của quá trình học tập (output), cần dựa trên không chỉ khả năng tiếp nhận kiến thức tốt (input) mà còn đòi hỏi nỗ lực luyện tập không mệt mỏi với những nguyên tắc nhất định, trong đó có tính kỷ luật. Cũng giống như bạn không thể học và trở thành người chơi piano giỏi trong một đêm, kĩ năng viết luận tốt cần rèn luyện và thời gian trau dồi. Như McBride nói rằng, trau dồi và rèn luyện những kĩ năng viết luận có ảnh hưởng lớn đến việc bạn sẽ là người như thế nào trong tương lai. Hoàn thành bài luận một cách cẩu thả gần như cũng chính là sự định nghĩa cho con người bạn.
Do đó, bạn không thể lười biếng khi đối mặt với bài luận. Sự không lười biếng có nghĩa rằng, bạn sẽ phải đầu tư thời gian để hiểu câu hỏi bằng cách đọc nhiều tài liệu nhằm hình thành kiến thức nền tảng và kiến thức liên quan củng cố những luận điểm sẽ trình bày. Thông thường, bài luận được coi là một sự kiểm tra kĩ năng tự nghiên cứu của sinh viên. Trong đó, sinh viên được yêu cầu phân tích hoặc tranh luận về một vấn đề, và để cho sự tranh luận của mình có thể thuyết phục được người đọc, mỗi sinh viên sẽ phải tự xây dựng cho mình một chiến lược nghiên cứu. Rõ ràng, chiến lược nghiên cứu như vậy không đến sau một đêm. Mỗi người có chiến lược riêng của mình trong nghiên cứu, nhưng dù chiến lược đó là gì thì việc đọc là điều tối quan trọng (chiến lược nằm ở việc đọc như thế nào). Nếu là người lười đọc thì bạn không nên theo đuổi ngành luật. Đọc để hiểu câu hỏi, hiểu bối cảnh tranh luận, tìm luận điểm, tìm chứng cứ cho vị trí tranh luận của mình. Tất cả những việc đó đều ‘ngốn’ thời gian và sự nỗ lực.
Yêu cầu đầu tiên đối với bài luận, sau thái độ chăm chỉ của sinh viên, đó chính là nguyên tắc ‘đi thẳng vào vấn đề’, nghĩa là trả lời câu hỏi (answer the question). Giả định rằng có các câu hỏi cho một bài luận như sau: (i) Nêu nội dung chính của nguyên tắc cấm đe doạ sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia và những ngoại lệ, và (ii) Liệu rằng trường hợp Crimea, trong đó Nga triển khai lực lượng vũ trang trên lãnh thổ của Ukraine có được coi là hợp pháp hay không?
Trong hai câu hỏi giả định này, câu (i) là câu hỏi có tính chất mô tả (descriptive question) nhằm yêu cầu sinh viên thuần tuý trình bày lại những gì đã được học về một nguyên tắc trụ cột của luật quốc tế là ‘cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế’. Câu (ii) có tính thảo luận (discursive question), nhằm yêu cầu sinh viên, trên cơ sở những gì đã học, nhận định và đánh giá về việc áp dụng pháp luật trong thực tế, mà ở đây chính là xác định tính hợp pháp của một hành động triển khai vũ lực của một quốc gia trên lãnh thổ một quốc gia khác. Đi thẳng vào vấn đề trong hai câu hỏi này. Đối với câu (i), sinh viên cần trình bày rõ sự hiểu biết của mình về khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc về nội dung cấm đe doạ hoặc sử dụng vũ lực và các quy định tại chương VII về những trường hợp ngoại lệ, trong đó cần nêu ngoại lệ về phòng vệ chính đáng của các quốc gia và vai trò triển khai vũ lực giữ gìn hoà bình của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đối với câu (ii), sinh viên nên (phải) chọn một vị trí tranh luận để trả lời câu hỏi, hoặc là hành động của Nga là bất hợp pháp, hoặc là hợp pháp, và việc phân tích luật sẽ dựa theo vị trí tranh luận này.
Nguyên tắc tiếp theo yêu cầu sinh viên viết bài luận cần phải trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc. Bạn cần chắc chắn bài luận có một cấu trúc cân đối với những phần và phân đoạn có mục đích rõ ràng. Phần mở đầu cần nêu rõ bài luận sẽ nói về/hoặc tranh luận điều gì, và điều đó sẽ được thực (thể) hiện như thế nào (chính là tóm lược kết cấu nội dung với những luận điểm chính của bài luận, hay còn gọi là ‘thesis statement’). Nếu phần nội dung của bài luận nó những luận điểm đối nghịch và mỗi luận điểm lại được bảo vệ bởi những luận điểm khác, cần phân loại thành những mục lớn và mục nhỏ với những dấu hiệu nhận biết rõ ràng để người đọc có thể nhận ra. Phần kết luận chỉ nên tóm tắt lại những gì đã được trình bày trong bài luận mà không nên nói gì khác thêm.
Ở đây cũng cần thiết nói thêm về tính quan trọng của phần mở đầu. McBride cho rằng, cái nhìn đầu tiên định hình điểm số, tại sao lại như vậy? Ông giải thích rằng phần mở đầu có ảnh hưởng rất lớn đến điểm số cuối cùng mà bài luận có thể đạt được, ấn tượng của người chấm và điểm đánh giá tổng quan của bài luận cũng đều bắt đầu từ đoạn đầu tiên. Đây là phần cung cấp một cái nhìn toàn diện cho người chấm về kết cấu và nội dung của cả bài luận (thể hiện qua câu chủ đề tổng quan – thesis statement), do đó sẽ hình thành ấn tượng đánh giá đầu tiên, liệu rằng bài luận đang được đọc sẽ nhận được điểm tốt, khá, trung bình hoặc yếu. Hãy thử bắt đầu với một câu của phần mở đầu đối với câu hỏi giả định thứ hai (nêu trên), để xem sự bắt đầu như nào có thể mang lại ấn tượng tốt về bài luận.
- Trước khi tranh luận liệu rằng hành động của Nga ở Crimea có hợp pháp hay không, cần phải hiểu về nội dung của nguyên tắc ‘cấm đe doạ sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế’ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
- Bài luận này sẽ tranh luận rằng hành động của Nga triển khai vũ lực ở Crimea là bất hợp pháp trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Xác định rằng, Nga vi phạm nguyên tắc ‘cấm đe doạ sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế (quy định tại khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc). Trong đó, hành động của Nga vừa không thoả mãn yếu tố phòng vệ chính đáng trong việc sử dụng vũ lực, cũng như không được triển khai theo thẩm quyển của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc theo quy định tại chương VII.
Ở đây, mở đầu (i) có thể nhận được ấn tượng đầu tiên là ‘khá’. Bởi lẽ mở đầu như vậy đã không trực tiếp trả lời câu hỏi, hơn nữa lại chọn cách trình bày không logic, dễ dẫn đến dài dòng và thiếu trọng tâm. Khả năng cao là bài luận sẽ đi theo xu hướng mô tả (trong khi đây là câu hỏi tranh luận) và cuối cùng đi đến kết luận (ngắn ngủi) về việc hành động của Nga là hợp pháp hay bất hợp pháp. Trong khi đó, phần mở đầu (ii) có thể nhận được đánh giá toàn diện đầu tiên là ‘tốt’. Vì, có những dấu hiệu cho thấy bài luận đã trả lời trực tiếp vào câu hỏi với vị trí tranh luận rõ ràng của sinh viên (điều được mong đợi). Bài luận cũng đã thể hiện một kết cấu rõ ràng, trong đó trực tiếp thảo luận tình huống, dựa vào phân tích pháp luật quốc tế với các yếu tố cụ thể của nguyên tắc cấm đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, chứ không phải là sự mô tả quy định pháp luật máy móc. Tất nhiên, nhận định đầu tiên về bài luận là ‘tốt’ không có nghĩa điểm cuối cùng sẽ là ‘tốt’, mà còn phụ thuộc vào các phần còn lại cũng như cấu trúc và các yêu cầu khác của bài luận.
Nói về lỗi trình bày rối rắm, McBride cho rằng có hai nguyên nhân chính. Một là sinh viên thường quá vội vàng và không dành thời gian xem lại những luận điểm của mình xem liệu rằng những luận điểm đó có hợp lý hay không. Hai là sự phức tạp hoá vấn đề. Phức tạp hoá vấn đề có thể bắt nguồn từ việc xác định sai loại hình, nội dung và phạm vi của câu hỏi, hoặc cũng có thể do sinh viên cố để làm cho những luận điểm trở nên phức tạp (vì nghĩ rằng đó là cách sáng tạo và hấp dẫn), nhưng thực tế là không liên quan. Ví dụ bạn đang giải quyết câu thứ hai trong câu hỏi giả định nêu trên, cách hiệu quả nhất đó là chỉ chọn một vị trí tranh luận (hoặc hành động của Nga là hợp pháp, hoặc là không), và bám sát vào vị trí đó để trả lời câu hỏi. Khi đã chọn một vị trí tranh luận, mọi lập luận của sẽ chỉ tập trung trả lời một câu hỏi duy nhất là (i) hành động của Nga bất hợp pháp, hoặc (ii) hợp pháp. Nếu chọn cách trình bày song song, kiểu như: ‘Theo luật pháp quốc tế thì hành động của Nga là bất hợp pháp… Nhưng một số quan điểm khác cho rằng hành động của Nga là hợp pháp …’ thì bạn đang không trả lời câu hỏi, và đây là lựa chọn đầy thách thức cho yêu cầu trình bày rõ ràng đối với một bài luận. Lựa chọn cách này có thể ví von như ‘thân lừa ưa nặng’, nhưng lại hoàn toàn không được hoan nghênh.
Nguyên tắc cuối cùng, mà người viết cho là quan trọng, để một bài luận đạt yêu cầu đó là không đạo văn (do not plagiarise). Đạo văn thường diễn ra phổ biến dưới hai hình thức: (i) sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung nghiên cứu của ai đó mà không trích dẫn đầy đủ, và (ii) sử dụng ý tưởng hoặc khái niệm của người khác dưới ngôn ngữ như của chính bản thân mình là người đầu tiên nghĩ ra mà không trích dẫn nguồn gốc. Thực tế, yêu cầu đối với bài luận của sinh viên nhằm vào việc kiểm tra kiến thức đã học, do đó sinh viên không cần phải thể hiện sự mới mẻ hoặc sáng tạo (tất nhiên trình bày một bài luận theo cách thức sáng tạo và lôi cuốn sẽ được đánh giá ở thang điểm cao hơn), mà đơn thuần chỉ cần trình bày lại nhận thức của mình cũng như khả năng tự nghiên cứu. Điều này có nghĩa là sinh viên hoàn toàn có thể sử dụng ý tưởng hoặc kết quả nghiên cứu của người khác trong bài luận của mình với một sự trích dẫn chính xác nguồn tài liệu. Ở đây, để bài luận được đánh giá cao, sinh viên cần phải đọc và hiểu mỗi nguồn tài liệu tham khảo trước khi sử dụng. Trước khi sử dụng bất cứ nguồn tài liệu nào, sinh viên cần tự hỏi về tính liên quan của nguồn đến việc giải quyết câu hỏi của bài luận, để từ đó tạo nên sự kết nối chứ không phải sự trích dẫn máy móc và rời rạc. Việc sử dụng các nguồn không liên quan hoặc không được sử dụng một cách kết nối vào việc giải quyết câu hỏi cũng dễ được xác định là đạo văn. Đạo văn trong việc học hoặc nghiên cứu khoa học cũng như ăn trộm những thứ vật chất khác ngoài xã hội, không những là trái pháp luật, trái đạo đức, đáng xấu hổ, mà quan trọng hơn nó khiến việc đi học của người học trở nên vô nghĩa. (Đó là lý do tại sao McBride nói rằng ‘plagiarising someone else’ work is just dumb, dumb, dumb’).
Trên đây là một số nguyên tắc, mà người viết cho là đáng lưu ý, để thực hiện một bài luận ở cấp bậc đại học. Như đã được diễn giải, bài luận ở trường đại học chủ yếu nhằm vào kiểm tra khả năng tự nghiên cứu của sinh viên thông qua cách sinh viên tranh luận và thuyết phục người đọc bởi những lập luận, cũng như cách thức mà những lập luận đó được đưa ra. Thông thường, sinh viên được hoàn toàn thoải mái trong việc lựa chọn và trình bày vị trí tranh luận, miễn là những luận điểm tranh luận được đưa ra một cách logic, hợp lý, và được hậu thuẫn bởi những chứng cứ khách quan, rõ ràng (đây là yêu cầu tối quan trọng khi viết bài luận ngành luật, mỗi luận điểm cần đảm bảo đứng vững trước các phản biện có thể được nêu ra).
Doan Nguyen