Bộ Tứ Kim Cương: Hành trình từ 1.0 đến 2.0 dưới cái bóng của ‘con ngáo ộp’ Trung Quốc

Thế giới hiện nay chưa bước ra khỏi cuộc chiến chống Covid-19, nhưng những hệ quả và thách thức mà dịch bệnh này mang đến/phơi bày ra đã khá rõ ràng. Đó không chỉ là tình hình hoảng loạn và bất ổn về kinh tế – xã hội trong mỗi quốc gia, nhưng còn là bầu không khí ảm đạm cho tính ổn định toàn cầu – cái được gọi là Chiến tranh lạnh 2.0, đang dần định hình ngày càng rõ rệt hơn. Trong bối cảnh đó, đang tồn tại những quan điểm trong giới nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế cho rằng, việc phát triển ý tưởng của QUAD (Quadrilateral Security Dialogue) – Bộ Tứ Kim Cương, sẽ mang đến nhiều triển vọng để đảm bảo một sự ổn định về hoà bình và an ninh, đặc biệt đối với khu vực châu Á – Ấn Độ, Thái Bình Dương.

Đối với Việt Nam, là một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực, sẽ phải chịu tác động không nhỏ (dù mất hay được, dựa trên cách tiếp cận) nếu ý tưởng được hiện thức hoá thành một định chế khu vực.

Bài viết này không tham vọng việc phân tích các tiềm năng thành công của ý tưởng cũng như ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam, nhưng được viết như một bài dịch tổng hợp, nhằm cung cấp cho người đọc một cái nhìn sơ lược về sự hình thành, quá trình phát triển của QUAD từ khi ra đời cho đến hiện tại, và dự đoán của các nhà nghiên cứu về triển vọng của nó trong tương lai. 

QUAD 1.0 – Nơi ý tưởng bắt đầu

QUAD – ở thời điểm đầu tiên, thuần tuý chỉ là sự nhóm lại giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ như một ‘cách thức ngoại giao mới’ (new style of diplomacy) nhằm thiết lập một giải pháp hiệu quả trong quá trình thế giới chung tay xử lý hậu quả của đại thảm họa Sóng thần Ấn Độ Dương (Boxing Day Tsunami 26/12/2004). Trong sự hợp tác trợ giúp này, nhóm đã triển khai hơn 40.000 quân và nhân viên trợ giúp nhân đạo, làm việc 24/7 trong suốt chín ngày – đêm với tốc độ và kỹ năng cao nhất để trợ giúp các khu vực bị ảnh hưởng. Ý tưởng thành lập nhóm để mang lại sự trợ giúp tốt nhất, cũng như những thành công của nó trong việc đối mặt với thách thức từ thảm họa đã để lại những dấu ấn quan trọng của loại hình ngoại giao mới này, như là một phương tiện thiết yếu nhằm giải quyết những vấn đề trong khu vực.

Nhật Bản, ở mức độ nào đó, đã nhận ra tiềm năng và triển vọng của của ý tưởng đối với việc đảm bảo lợi ích của Nhật Bản nên đã lồng ghép vào chính sách ngoại giao của mình dưới tên gọi Mạng lưới Tự Do Thịnh Vượng (Arc of Freedom and Prosperity) được giới thiệu lần đầu tiên bởi Thủ tướng Shinzo Abe. Bộ trưởng ngoại giao Taro Aso, trong một bài nói ngày 30/11/2006 tại Viện quan hệ quốc tế Nhật Bản (JIIA), cũng mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng mạng lưới với trọng tâm là vai trò của QUAD, nhưng sẽ mở rộng đến các quốc gia gần nhất từ Việt Nam, cho đến những quốc gia xa nhất ở châu Âu là Ukraine, đặt trọng tâm vào các giá trị nhân loại như dân chủ, tự do, nhân quyền, pháp chế và kinh tế thị trường.

Ý tưởng mới trong chính sách ngoại giao của Nhật đã ngay lập tức thu hút được sự ủng hộ của ba nước còn lại trong nhóm. Tháng 12/2006, Ấn và Nhật ra tuyên bố chung, khẳng định cả hai nước đều mong muốn thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia ‘cùng hội cùng thuyền’ (like-minded countries) trong khu vực để giải quyết các vấn đề về lợi ích chung. Hoa Kỳ và Úc đều có những động thái tích cực để thúc đẩy một cuộc gặp chính thức. Tháng 2/2007, sau khi tham vấn với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney, Thủ tướng Úc John Howard đã có chuyến thăm đến Tokyo, cùng với Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Pranab Mukherjee để tái xác nhận việc tổ chức hội nghị QUAD. Hai tháng sau đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có chuyến đi đến Washington và New Delhi để chốt các vấn đề cho cuộc gặp đầu tiên. Và, cuộc gặp đầu tiên – mang tính chất sự thành lập không chính thức (informal grouping), hay còn được gọi là QUAD 1.0, diễn ra một tháng sau chuyến đi của Thủ tướng Abe, tại Manila tháng 5/2007 trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN. Một số vấn đề về lợi ích chung của các quốc gia tham dự được đề cập, nhưng, mục đích cụ thể về sự thành lập và tồn tại của QUAD lại không được thỏa thuận rõ ràng. Hành động duy nhất và cuối cùng đại diện cho kết quả của QUAD 1.0 chỉ là chương trình tập trận Malabar với sự tham gia của Hải quân Singapore (là sự mở rộng chương trình tập trận giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ; Nhật Bản tham gia lần đầu tiên tháng 4/2007, và từ 2015 tham gia với tư cách thành viên chính thức).

Như vậy, QUAD 1.0 đã kết thúc gần như không có một tiếng động, nhưng lại quá nhiều sự lưỡng lự.

Cái bóng của ‘con ngáo ộp’ Trung Quốc và mười năm đi tìm mục đích

Sẽ là không quá lệch lạc so với thực tế khách quan khi nhận định rằng cả sự kết thúc của QUAD 1.0 và sự tái khởi động của QUAD 2.0 gần như đều được thúc đẩy bởi yếu tố Trung Quốc. Quan ngại về sự rạn nứt trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc – dẫn đến những thiệt hại về lợi ích kinh tế, khiến mỗi quốc gia trong Bộ tứ đã dè rụt và lưỡng lự, để rồi bỏ rơi ý tưởng khi mới lọt lòng. Nhưng, cũng chính những đe dọa từ Trung Quốc trong khu vực (khoảng từ năm 2015) đã kéo Bộ tứ, một lần nữa, ngồi lại với nhau lâu dài hơn, và nói những chuyện cụ thể hơn.

Cái bóng của Trung Quốc

Ngay sau cuộc gặp đầu tiên tại Manila, Trung Quốc đã cực lực phản đối và liên tục đặt câu hỏi về mục đích của cuộc gặp, cũng như động cơ của mỗi nước. Việc không có được tuyên bố cụ thể về mục đích cho sự hình thành đã làm nảy sinh nhiều đồn đoán rằng ý tưởng của QUAD sẽ sớm trở thành NATO phiên bản châu Á, mà mục tiêu của nó chính là Trung Quốc. Đứng trước những nghi ngờ và yêu cầu từ Trung Quốc, Bộ tứ đã tỏ ra lúng túng, và đó cũng chính là thời gian kết thúc của QUAD 1.0, khi mà mỗi nước đều chọn bảo vệ lợi ích của mình thay vì nhận định, và đi đến sự đồng thuận về mối đe doạ chung trong khu vực. 

Trước áp lực từ Trung Quốc, cả bốn thành viên đều sớm phớt lờ tất cả những quan ngại về an ninh khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Brendan Nelson, trong chuyến thăm tới New Delhi tháng 7/2007 đã tuyên bố rằng, ‘Úc mong muốn QUAD chỉ hoạt động trong phạm vi thương mại, văn hoá’. Nelson cũng nhấn mạnh điều này trong chuyến thăm đến Trung Quốc, rằng ‘Úc sẽ không làm bất cứ điều gì không cần thiết để gây tổn hại đến quốc gia khác’, và ‘đối thoại bốn bên với Ấn Độ – cái được gọi là Bộ tứ, không phải là cái mà Úc cổ vũ thực hiện; Úc có thể hứng thú việc hợp tác bốn bên, nhưng chỉ đối với các vấn đề kinh tế và gìn giữ hòa bình’. Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định rằng ‘Bộ tứ sẽ không có bất cứ hoạt động an ninh nào’ (the Quad held no security implication). Ông cũng trả lời Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng ‘Bộ tứ không phải được tập hợp để chống lại Bắc Kinh, mà chỉ đơn giản là cuộc gặp trao đổi quan điểm về sự phát triển trong kinh nghiệm của các nước dân chủ’ (the group wasn’t ganging up on China but simply meeting to exchange views on development from our experiences as democracies). 

Hàn Quốc cũng bày tỏ những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của ý tưởng, và lưỡng lự trong việc tham gia. Mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, nhưng Hàn Quốc cũng không muốn phải ở trong tình thế phải lựa chọn, hoặc từ bỏ đối tác thương mại ngày càng quan trọng là Trung Quốc.

Bên cạnh việc không tìm được tiếng nói chung trước bài toán lợi ích và đe dọa từ phía Trung Quốc, sự vận hành của guồng máy dân chủ trong mỗi quốc gia dẫn đến sự thay đổi người/phe lãnh đạo đã đặt dấu chấm hết cho QUAD 1.0. Trong đó, việc Thủ tướng Shinzo Abe, cha đẻ của ý tưởng và là người ủng hộ nhiều nhất, từ chức; cùng với việc Kevin Rudd, người có thái độ phê phán QUAD, lên làm Thủ tướng Úc là có ảnh hưởng lớn nhất. Chính phủ Úc dưới sự điều hành của Rudd, cuối năm 2007, đã quyết định rằng ‘QUAD không phù hợp với tầm nhìn chiến lược của Úc, và Úc sẽ không tham dự Hội nghị Bộ tứ vào tháng 1/2008, đồng thời thông báo cho Trung Quốc rằng Úc hoàn toàn không có ý định tham dự Hội nghị lần thứ 2 của QUAD. Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Manmohan Singh cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là các cuộc biểu tình chống lại chương trình diễn tập quân sự trên biển và những vấn đề nhạy cảm khác trong mối quan hệ với Trung Quốc. Phía Mỹ cũng hờ hững với ý tưởng trước những quan ngại trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Còn tiếp …

Doan Nguyen

Nguồn tài liệu:

Patrick Gerard Buchan and Benjamin Rimland 2020 ‘Defining the Diamond: The Past, Present, and Future of the Quadrilateral Security Dialogue’, CSIS, 16 March 2020, online.

Tanvi Madan 2017 ‘The Rise, Fall, and Rebirth of the Quad’, War on the Rock, online.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s