Xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – Phải chăng pháp luật đã bị đánh tráo?

Những ngày này dư luận đang rất xôn xao và bất ngờ trước quyết định bác toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (HĐTP) về vụ án Hồ Duy Hải (HDH) – vụ án bị nghi ngờ là có oan sai và nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong đó, Hội đồng gồm 17 thẩm phán đã biểu quyết đi đến một sự thống nhất tuyệt đối về bốn vấn đề:

(i) ‘Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu, những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?’

17/17 – ‘không thay đổi bản chất vụ án’

(ii) ‘bản án phúc thẩm và sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?’

17/17 – ‘đúng người, đúng tội, đúng mức án’

(iii) ‘Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, như vậy, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có đúng pháp luật hay không?’

17/17 – ‘không đúng pháp luật’

(iv) ‘Hội đồng thẩm phán có chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung, hay không chấp nhận kháng nghị?’

17/17 – ‘không chấp nhận kháng nghị’

Đối với tôi, tội phạm là một vấn đề không thể tránh khỏi của mọi xã hội, do đó, tôi không thật sự quan tâm ai là thủ phạm giết chết hai nạn nhân ở Bưu điện Cầu Voi, vì đó là việc của hệ thống tư pháp. Cái làm tôi quan tâm đó là vụ án này đã phải xét xử giám đốc thẩm – Phiên xét xử được mở ra nhờ nỗ lực vượt mọi sự mệt mỏi, đau buồn và những giọt nước mắt dòng dã chảy xuống suốt hơn 12 năm liền của một người mẹ đi gõ tất cả các cánh cửa công quyền để kêu oan cho đứa con trai – điều mà tôi cho rằng chính là giá trị của không chỉ công lý, mà còn là giá trị con người, một nguồn cảm hứng cổ vũ chúng ta luôn hướng đến sự thật, một giá trị mà nếu thiếu nó xã hội sẽ không còn sức sống. Do vậy, tôi cho rằng nếu HĐTP Tòa án nhân dân tối cao bác kháng nghị, thì đó phải là một phán quyết thuyết phục, hợp lý hợp tình, nhưng, tôi không thấy tính chất đó trong phán quyết của HĐTP.

Dù không phải là một chuyên gia pháp luật hình sự, sự hiểu biết pháp luật cũng chỉ ở mức cơ bản, nhưng tôi nhận thấy rằng phán quyết đã không có những câu trả lời thỏa đáng cho kháng nghị giám đốc thẩm. Và, ở mức độ nào đó, phán quyết còn thể hiện sự ‘rơi rớt’ kiến thức pháp luật nền tảng của hội đồng 17 thẩm phán toà án nhân dân tối cao. Với nhận thức đó, tôi sẽ chứng minh HĐTP không những không xem xét kháng nghị giám đốc thẩm dựa trên quy định của pháp luật, mà còn ‘máy móc’ trong giải thích việc áp dụng pháp luật. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những phân tích dưới đây không phải là phát hiện mới mẻ gì của tôi, mà đã xuất hiện đâu đó trên báo chí và mạng xã hội từ nhận định của các chuyên gia. Điều tôi cố làm cho được có lẽ chỉ là ghép chúng lại thành một bức tranh toàn diện để người xem có thể tự mình nhận ra bản chất của nó, để tự hỏi bản thân họ, liệu rằng đã có sự đánh tráo pháp luật cho một cái gì đó na ná.

Vấn đề số 1: Có ‘sai sót’ về tố tụng, nhưng không làm thay đổi ‘bản chất vụ án’

Kết luận đầu tiên của HĐTP trả lời cho hai nhận định của Viện kiểm sát tối cao trong kháng nghị (1) ‘bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; việc thu thập đánh giá các chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ’; và (2) các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa một số lời khai của HDH và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án’. Rõ ràng đã có sự khác biệt rất lớn trong việc sử dụng thuật ngữ pháp lý ở phán quyết và kháng nghị giám đốc thẩm. Viện kiểm sát tối cao cho rằng đã có những ‘vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng’, còn HĐTP lại cho rằng có những ‘sai sót’ (cụm từ tôi e rằng khó có thể định nghĩa được về mặt luật học). Vậy, nên chăng, chúng ta sẽ đặt một số câu hỏi xoay quanh vấn đề này, để xem xét từ căn cứ nào mà những ‘vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng’ nêu tại kháng nghị giám đốc thẩm lại trở thành ‘sai sót về tố tụng’, và sức mạnh của những ‘sai sót’ đó sẽ ảnh hưởng như nào đến ‘bản chất vụ án’:

Như thế nào là ‘sai sót’ về tố tụng?

Sai sót có phải là vi phạm pháp luật tố tụng không?

Giữa ‘sai sót’ và ‘vi phạm nghiêm trọng’ có gì khác nhau không?

Nếu có vi phạm pháp luật tố tụng thì hậu quả pháp ý của nó là gì?

Pháp luật có quy định vi phạm tố tụng nào có thể không có hậu quả pháp lý, và hoặc không cần phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?

Bản chất vụ án là gì?

Bằng cách nào có thể phát hiện sự thật của vụ án?

Tôi cho rằng ‘sai sót’ không phải là một thuật ngữ pháp lý, và như đã nói ở trên, sẽ khó có thể định nghĩa được về mặt luật học vì nó không tồn tại trong BLTTHS 2015 hay 2003, và tôi cũng nghi ngờ nếu nó đã/sẽ xuất hiện đâu đó trong các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS. Nhưng, tại sao HĐTP lại sử dụng cụm từ này? 

Tôi không biết. 

Cái tôi biết, từ khi còn ngồi trên ghế trường Luật, rằng, các quy phạm pháp luật hình thức ra đời nhằm để đảm bảo các quy phạm pháp luật nội dung được ban hành và thi hành chính xác như nó đã được thiết kế để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Thêm nữa, mọi vi phạm pháp luật đều có hậu quả pháp lý dù trong một số trường hợp trách nhiệm pháp lý có thể loại trừ. Tội tự hỏi, có phải do tôi ham chơi quá nên đã bỏ lỡ các bài giảng về những ‘sai sót’ của pháp luật, cái mà nếu xảy ra sẽ không có bất cứ hậu quả pháp lý nào như tôi đang được thấy trong phán quyết của HĐTP tòa án cấp cao nhất của đất nước.

Không giống như cụm từ ‘sai sót’, ‘bản chất vụ án’ là một thuật ngữ pháp lý, lần đầu tiên được quy định tại khoản 1 Điều 261 ‘Sửa chữa, bổ sung bản án’, và khoản 2 Điều 393 BLTTHS 2015 ‘Sửa chữa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật’. Căn cứ vào những quy định này của pháp luật tố tụng hình sự có thể định nghĩa bản chất vụ án là ‘kết luận của hội đồng xét xử khi nhận định về sự thật khách quan của hành vi phạm tội được ghi nhận tại bản án’. Nói một cách dễ hiểu hơn, bản chất vụ án là kết luận trong bản án do hội đồng xét xử thông qua, mà có thể không hoàn toàn, hoặc không phải là sự thật khách quan trong thực tế. Điều này là bởi lẽ, để có một bản án phản ánh chính xác sự thật khách quan thì nó đòi hỏi hội đồng xét xử phải xem xét hồ sơ vụ án một cách khách quan, toàn diện để thẩm định tính hợp pháp của hồ sơ vụ án đó (các vấn đề về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ…). Từ một hồ sơ vụ án hợp pháp thì hội đồng xét xử mới có thể có những nhận định khách quan, toàn diện về hành vi phạm tội trong quá trình xét xử để đưa ra một bản án có bản chất đúng/đúng nhất với hành vi khách quan trên thực tế. 

Phân tích về thuật ngữ ‘bản chất vụ án’ để thấy rằng nếu không có một hồ sơ vụ án hợp pháp thì không thể/khả năng rất cao là không thể có một ‘bản chất vụ án’ phản ánh đúng sự thật khách quan. Ở đây, ‘bản chất vụ án’ được đề cập trong phán quyết của HĐTP chính là bản án sơ thẩm, phúc thẩm – đối tượng được cho là vi phạm nghiêm trọng nhiều thủ tục tố tụng và bị kháng nghị theo Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát tối cao. Vậy, nhận định của HĐTP cho rằng những ‘sai sót’ (vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm) nhưng không làm thay đổi ‘bản chất vụ án’ là đúng. Bởi lẽ, chính vì những ‘sai sót’ đó nên mới tồn tại một ‘bản chất vụ án’ như trong bản án sơ thẩm, phúc thẩm – cũng chính là các bản án chứa những nhận định và kết luận sai với thực tế khách quan do sử dụng một hồ sơ vụ án trái pháp luật với những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục. Hay nói đơn giản hơn, ý của HĐTP giải thích qua kết luận số 1 rằng, ‘Viện kiểm sát tối cao cho rằng Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã có những nhận định và kết luận không đúng với thực tế khách quan do có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng là đúng, nhưng những sai sót đó cũng không ảnh hưởng đến các kết luận của hai bản án này’.

Vậy có đúng là những ‘sai sót’ (vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng) trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm không ảnh hưởng đến các kết luận trong hai bản án đó không? Đọc đến đây nếu bạn đã nắm được thông tin về vụ án như được nêu trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát tối cao, có lẽ bạn sẽ tự có câu trả lời cho mình. Nhưng nếu chưa, hãy xem những vi phạm đó dưới đây (chiếu theo BLTTHS năm 2003) có thể đưa đến một ‘bản chất vụ án’ (bản án) đúng với thực tế khách quan hay không.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, cụ thể.

  • Bỏ sót vật chứng do khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ vật chứng quan trọng của vụ án gồm chiếc ghế, dao và cái thớt. Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh nhưng không thu giữ để truy nguyên. (Vi phạm khoản 1 Điều 75 BLTTHS ‘Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hành để đưa vào hồ sơ vụ án’; và khoản 1, 3 Điều 150: ‘Khám nghiệm hiện trường nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa với vụ án; điều tra viên … thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm… ‘)
  • Không thu giữ dấu vết trên cơ thể để trưng cầu giám định xác định thời điểm chết của nạn nhân, mặc dù tại bản giám định pháp ý số 21/PY.08 ngày 17/1/2008 phần khám nghiệm tử thi ghi nhận ‘bụng…dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít’. (Vi phạm khoản 1 Điều 152 ‘Điều tra viên xem xét thân thể … người bị hại … để phát hiện trên người họ dấu vết của tội phạm, hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y’; và khoản 1 Điều 155 ‘Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này (các trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định) hoặc khi xét thấy cần thiết Cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định’)
  • Không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường. Bốn tháng sau ngày xảy ra vụ án (05/06/2008), Phân viện khoa học kỹ thuật hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh mới kết luận ‘mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà tắm và trong nhà vệ sinh Bưu điện Cầu Voi là máu người, không xác định được nhóm máu do đã bị phân huỷ’. (Vi phạm khoản 2 Điều 75 ‘Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng’)
  • Vi phạm các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự về tính chính xác, khách quan và toàn diện trong thực hành pháp luật tố tụng. Trong đó, lời khai đầu tiên của HDH không nhận tội và lời khai của một số nhân chứng khác không được đưa vào hồ sơ vụ án, mà chỉ có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án là anh Phùng Phụng Hiếu cũng không được lấy lời khai bởi cơ quan điều tra. Các đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol, và nhiều dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai cũng chưa được điều tra làm rõ. (Vi phạm quy định về Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án tại Điều 10, các cơ quan tiến hành tố tụng ‘phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội’
  • Vi phạm quy định về biên bản trong các thủ tục nhận dạng, lấy lời khai, hỏi cung. Cụ thể: một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến; một số biện bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai. (Khoản 1, 2 Điều 125 quy định ‘Khi tiến hành điều tra phải lập biên bản … người tham gia tố tụng và điều tra viên cùng ký tên vào biên bản’, ‘trường hợp người tham gia tố tụng từ chối ký vào biên bản, thì việc đó phải được ghi vào biên bản và nêu rõ lý do’)

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình xét xử, cụ thể:

  • Sử dụng chứng cứ không được thu thập hợp pháp để làm căn cứ chứng minh tội phạm trong quá trình xét xử. Kháng nghị giám đốc thẩm nêu rằng, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm xác định chiếc ghế, cái thớt và con dao là công cụ gây án, nhưng thực ra, chiếc ghế đó không liên quan đến vụ án (02 tháng sau khi vụ án xảy ra  cơ quan điều tra thu giữ một chiếc ghế inox Hòa Phát mã số HPM2-44705, khác với mã số chiếc ghế trong bản ảnh – HPM2-447052, và khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường – HPN2-447052). Còn về con dao và cái thớt, (do đã không được thu thập ngay lập tức khi khám nghiệm hiện trường) điều tra viên đã vẽ con dao và đưa cho một người (Nguyễn Văn Thu – tham gia dọn dẹp hiện trường) đi mua về cho HDH nhận dạng; cái thớt mà cơ quan điều tra thu giữ do Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân) mua ngày 24/06/2008 (khoảng 160 ngày sau ngày xảy ra vụ án) về cho HDH nhận dạng. Con dao và cái thớt (như nhận định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) là hai vật chứng quan trọng, trong đó cái thớt là vật dính máu – theo bản ảnh chụp lại (mang dấu vết tội phạm) nhưng đã không được thu giữ, mà bị thiêu hủy ngay sau khi khám nghiệm hiện trường, lưỡi dao bằng kim loại cũng không thể tìm lại được. (Vi phạm khoản 1 Điều 64 về Chứng cứ, theo đó  chứng cứ phải ‘là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định…’). 
  • Nhận định và kết luận vụ án không dựa trên thực tế và chứng cứ khách quan. Bản án sơ – phúc thẩm xác định HDH dùng ghế đập vào đầu nạn nhân Vân trên tại phòng khách rồi dùng tay kéo Vân đến cạnh nạn nhân Hồng (ở ở chân cầu thang gần phòng bếp), đặt đầu Vân lên bụng Hồng và cắt cổ. Tuy nhiên, theo bản ảnh chụp biên bản khám nghiệm hiện trường cho thấy ‘chiếc ghế nằm dưới nền nhà ngay sát cửa đi ra nhà tắm và nạn nhân Vân gác chân lên chiếc ghế’. Thêm nữa, ‘trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt, dấu vết đế dép và dính những hạt cơm nhỏ’ nhưng đã không được điều tra làm rõ. Mặc nhiên, bản án sơ – phúc thẩm cũng không lý giải về sự mâu thuẫn này. 

Tiếp theo là vấn đề thời điểm HDH xuất hiện tại Bưu điện Cầu Voi, bản án xác định Hải đến hiện trường lúc 19:30 là trái với lời khai của các nhân chứng. Nhân chứng Bình xác nhận anh đến gửi xe tại bưu điện lúc hơn 19 giờ đã có một thanh niên ngồi trong đó, và khoảng 19:30 anh quay lại lấy xe vẫn thấy thanh niên này. Nhân chứng Đinh Vũ Thường cho biết khi anh đến bưu điện gọi điện lúc 19:39 cũng thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện. Nhưng người đó không thể là Hài, vì theo kết luận điều tra, lúc 19:13 Hải còn ở tiệm cầm đó, làm thủ tục cầm đồ, về nhà cất xe rồi đổi xe, đi gặp Đang ở quán Bảy Thanh, sau đó chở Đang đến quán Hai Thượng. Tổng khoảng thời gian từ khi cầm đồ đến khi chia tay Đang, Hải tiêu thụ khoảng 28 phút. Dù đoạn đường từ Hai Thượng đến Bưu điện Cầu Voi đi mất bao nhiêu thời gian thì Hải cũng không thể có mặt ở đó lúc 19:39.

Bản án phúc thẩm kết luận sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Hải trèo cổng sau để đi ra cổng trước. Tuy nhiên, biên bản khám nghiệm hiện trường không ghi nhận bất kỳ dấu vết máu nào dính lại trên cổng, trong khi bản án đã nhận định lúc cắt cổ các nạn nhân máu bắn rất nhiều lên người bị cáo. Hiện trường vụ án phản ánh qua ảnh và biên bản khám nghiệm hiện trường cho thấy rất nhiều hành động, nạn nhân chống trả quyết liệt và có nhiều đồ vật rơi đổ, xáo trộn, nhưng bản án lại mô tả hành vi tấn công của bị cáo là ‘đơn giản, ít hành động’.

  • Vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự về xác định sự thật của vụ án, và các quy định về trách nhiệm kiểm tra, thẩm định chứng cứ tại toà, dẫn đến nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn không được làm rõ. Cụ thể là các mâu thuẫn về hành vi tấn công nạn nhân, mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án, hay mâu thuẫn về hành vi hiếp dâm. Không những không thể chứng minh được lời khai của Hải theo thực tế khách quan và khám nghiệm hiện trường, như việc làm rõ địa điểm tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có (các nhân chứng làm việc tại cửa hàng di động và cửa hàng vàng, như được nêu trong bản án, đều không xác định được đã mua điện thoại và số nữ trang), tòa án hai cấp sơ – phúc thẩm còn bỏ qua các chứng cứ ngoại phạm khác của HDH, như: không có nhân chứng nào khẳng định Hải có mặt tại hiện trường; các dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải của Hải theo kết quả giám định; các mẫu tro (được thu giữ khi khám nhà, và trước khi lấy lời khai đầu tiên của Hải) không có giá trị chứng minh, vì kết luận giám định cho thấy kết quả không giống lời khai của Hải.

Mặc dù HĐTP đã có những giải thích cụ thể về những nghi vấn trong kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao. Tuy vậy, những giải thích này thuần tuý dựa vào sự đối chiếu những chứng cứ là các lời khai (ở mức độ nào đó sẽ mang tính chủ quan của người làm chứng do đó mức độ tin cậy không cao bằng các chứng cứ là vật chứng), chứ không có bất cứ vật chứng là công cụ, dấu vết tội phạm nào được sử dụng. Ngay cả việc sử dụng chứng cứ là các lời khai, thì các lời khai này cũng không thể hiện một kết luận chắc chắn xác định HDH là người thực hiện tội phạm.

Có thể nào một bản án được thông qua bởi một hồ sơ vụ án với những vật chứng được thu thập trái pháp luật, quá nhiều vật chứng bị bỏ sót một cách khó hiểu dẫn đến không có vật chứng nào được sử dụng hợp pháp; các dấu vết tội phạm không được trưng cầu giám định kịp thời để cho kết quả chính xác; một số trưng cầu giám định lại cho kết quả không phù hợp với nhận dạng của bị cáo; hàng loạt các mâu thuẫn về lời khai; hàng loạt những vi phạm về thủ tục biên bản …, và chưa hết, không có bất cứ lời khai nào khẳng định chắc chắn sự có mặt của Hải ở hiện trường … có thể nào bản án đó lại có một ‘bản chất’ (kết luận của hội đồng xét xử) phản ánh đúng thực tế sự thật khách quan hay không?

Vấn đề số 3: Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không đúng pháp luật do Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực

Cá nhân tôi cho rằng đây là một kết luận có tính chất gây cười đối với giới học luật, đặc biệt là giới chuyên gia trong ngành. Nó không chỉ thể hiện sự máy móc của HĐTP trong việc giải thích pháp luật tố tụng hình sự về các quy định trong vấn đề này, mà nguy hiểm hơn, kết luận này sẽ tạo ra tiền lệ có khả năng thay đổi các nguyên tắc cơ bản của áp dụng pháp luật, không chỉ trong lĩnh vực tố tụng hình sự.

Tôi tin rằng HĐTP vẫn hiểu những kiến thức pháp luật nền tảng khi đọc kết luận rằng ‘Pháp luật tố tụng hình sự quy định, các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, huỷ bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền, chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính’. Nhưng tôi lại nghi ngờ niềm tin của mình đối với HĐTP khi đọc đoạn tiếp theo, rằng ‘Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của HDH đang có hiệu lực thi hành nhưng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo của Chủ tịch nước ‘bảo đảm đúng quy định pháp luật’ tại Công văn nói trên’.

Rõ ràng HĐTP muốn giải thích rằng Công văn thông báo của Chủ tịch nước không có giá trị hiệu lực gì trong các thủ tục tố tụng, nhưng lại dùng chính Công văn này để làm một trong các yếu tố chứng minh Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát tối cao là trái quy định pháp luật. Nhưng đây chỉ là một sự ‘máy móc’ nhẹ, không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến pháp luật tố tụng bây giờ và sau này. 

Điều nguy hiểm nhất của kết luận này đó chính là HĐTP đã tuyên bố Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao là không đúng thẩm quyền và vi phạm pháp luật tố tụng hình sự. Lý do là bởi Viện kiểm sát tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị này sau khi đã ban hành một Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm trước đó, và sau khi Chủ tịch nước đã có Quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của HDH. Một lý do khác được HĐTP nêu ra, đó là ‘BLTTHS không quy định về thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, nên các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác, trừ các quyết định về thi hành án’.

Kết luận này có thể thay đổi pháp luật và thay đổi việc áp dụng pháp luật từ đây về sau. Điều này là bởi lẽ:

Nộp đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật mà người phạm tội không yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm là một ‘quyền’ có tính chất nhân đạo mà nhà nước dành cho người phạm tội, dựa trên những tình tiết có thể được cân nhắc. Và, bằng việc chấp nhận giảm án hay không giảm án của Chủ tịch nước với những giải thích cụ thể sẽ làm thúc đẩy và phát huy những giá trị xã hội, giá trị con người. Giả sử (chỉ là GIẢ SỬ), trong trường hợp vụ án này, Hải được chứng minh có tội theo đúng quy định của pháp luật, và trên cơ sở xem xét quá trình minh oan của gia đình Hải trong suốt hơn 12 năm, Chủ tịch nước nhận thấy rằng nỗ lực của gia đình Hải là đáng trân trọng, và nỗ lực đó đã truyền cảm hứng cho xã hội một niềm tin vào công lý để luôn theo đuổi công lý, do đó quyết định ân giảm cho Hải hình phạt tù chung thân… thì đó chính là giá trị nhân đạo của thủ tục tố tụng này, từ góc cạnh là ‘quyền’ của người phạm tội. Tuy vậy, quyết định ân giảm hay không ân giảm hình phạt tử hình từ phía Chủ tịch nước không phải là thủ tục tố tụng, và không ảnh hưởng đến bất cứ hành vi tố tụng nào (ngoại trừ việc nếu chấp nhận ân giảm thì dẫn đến việc thi hành án khác đi). Quyết định từ chối ân giảm án cũng chỉ là một hành vi hành chính có tính chất câu trả lời, chứ không có giá trị hiệu lực gì trong thủ tục tố tụng, như giải thích của HĐTP. Bằng phán quyết của mình trong vụ án này, HĐTP đã đưa quyết định bác xin ân giảm hình phạt tử hình đối với tử tù từ một hành vi hành chính thành một thủ tục tố tụng có hiệu lực làm thay đổi các thủ tục tố tụng hình sự khác. Nó thậm chí còn chấm dứt quyền yêu cầu giám đốc thẩm, hoặc tái thẩm của tử tù khi phát hiện những tình tiết mới làm thay đổi vụ án, hoặc phát hiện những sai phạm nghiêm trọng khác một khi họ đã có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình nhưng đã bị bác bỏ bởi Chủ tịch nước.

Kết luận này cũng đồng thời khẳng định một quy định pháp luật mới là Viện kiểm sát nhân dân tối cao (và Toà án nhân dân tối cao) chỉ có một lần duy nhất được ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Một khi các cơ quan này lựa chọn ban hành quyết định không kháng nghị (và gửi tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của người phạm tội, Chủ tịch nước sau đó bác đơn xin ân giảm) thì sau đó sẽ không được phép thay đổi thành quyết định kháng nghị kể cả có phát hiện gì mới về vụ án. Hiện nay không có bất cứ một quy định nào quy định rằng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi đã ra quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm thì không được phép thay đổi quyết định của mình, nhưng HĐTP bằng giải thích của mình đã quy định điều này.

Hi vọng rằng, từ phân tích về hai vấn đề trong Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP trên đây, bạn đọc đã có đủ những thông tin cơ bản cho những nhận định của mình đối với hai vấn đề còn lại của quyết định, cũng như đối với toàn bộ quá trình xét xử giám đốc thẩm vụ án. Là người viết, tôi cũng không thể khẳng định HDH có phải là thủ phạm của vụ án hay không, nhưng tôi có thể khẳng định đã có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như được nêu trong kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao. Và, như đã phân tích, cái gọi là ‘bản chất vụ án’ chỉ có thể trùng với sự thật khách quan khi nó được chứng minh theo một trình tự, thủ tục hợp pháp, mọi sai phạm đều có thể dẫn đến sai lầm. Đó là cái bạn có thể dựa vào cho những nghi ngờ hợp lý của mình.

Doan Nguyen

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s