Hầu hết những người quan tâm đến cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam năm 1979 đều biết rằng Đặng Tiểu Bình tuyên bố lí do cho cuộc chiến là ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Một cuộc chiến được giới quan sát đánh giá là nhanh và đẫm máu. Cả hai bên đều tuyên bố thắng cuộc nhưng không bên nào chính thức tuyên bố thiệt hại. Các nguồn quốc tế cho rằng Trung Quốc có khoảng 28.000 người chết, và khoảng hơn 43.000 người bị thương. Trong đó Việt Nam ước tính có khoảng 20.000 đến 35.000 người chết và bị thương, trong đó có số lượng lớn là dân thường do chiến địa nằm bên trong lãnh thổ Việt Nam. Lí Hiểu Bình trong cuốn A History of the Modern Chinese Army (Một trang sử của sự hiện đại hoá quân đội Trung Quốc) do Đại học Kentucky xuất bản năm 2007 đưa ra số liệu gần tương tự. Trong đó Trung Quốc có 23.000 lính bị giết, 61.000 bị thương; và Việt Nam có 37.300 lính bị giết, 2.300 bị bắt.
Không phải tự nhiên mà Đặng Tiểu Bình nổi giận muốn dạy cho Việt Nam một bài học, cho dù dưới thời của ông Lê Duẩn căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được đẩy lên cao trào khi Việt Nam phô diễn sự thân mật mặn nồng với Liên Xô, trong khi đàn áp người Việt gốc hoa, buộc phần lớn trong số người Việt gốc Hoa, và người Hoa phải rời khỏi Việt Nam. Tất cả những điều này dù có thể được hiểu là chống lại Trung Quốc, nhưng vẫn là chính sách và công việc đối nội của Việt Nam. Trung Quốc dù không thích điều này cũng không có cách nào khác ngoài ‘cắn răng chịu đựng’. Nhưng đó là trong trường hợp quan hệ ngoại giao bình thường. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi Đảng cộng sản hai nước thành lập, và đặc biệt là khi hai nhà nước của hai chế độ cộng sản được thành lập (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1945, và Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa năm 1949) đã không là bình thường nữa, nó là quan hệ ‘anh em’, gắn chặt như ‘răng với môi’ (lời của Mao Trạch Đông).
Để hình thành được mối quan hệ đó, có một sự thật không thể phủ nhận là Trung Quốc là giúp đỡ và đóng một vai trò không hề nhỏ trong việc xây dựng, đào tạo, tài trợ và trang bị cho việc phát triển quân đội của Việt Nam, từ một đội quân nhỏ lẻ đến một lực lượng quân sự hùng mạnh, thiện chiến, đánh thắng Pháp, Mĩ và Việt Nam Cộng Hoà trong gần 30 năm. Mặc dù, cả hai bên đều công nhận một vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam, cả chống Pháp và đánh Mĩ, nhưng không bên nào công bố một cách đầy đủ sự đóng góp của Trung Quốc trong khoảng thời gian đó. Chỉ biết rằng, giới quan sát và nghiên cứu đã nhận định rằng sự đóng góp của cộng sản quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc là mang tính quyết định, giúp cho quân đội Bắc Việt có thể tồn tại dưới mưa bom bão đạn của Mĩ, và sau đó đánh bại miền Nam Việt Nam. Dù trong và sau khi cuộc chiến biên giới 1979 xảy ra, Trung Quốc đã lặng lẽ chứng minh vai trò của mình trong cuộc chiến của Việt Nam với Pháp và Mĩ như để hợp lí hoá lý do gây chiến, nhưng phía Việt Nam chưa có một công bố chính thức nào. Dù hai bên không công bố chính thức về vai trò và sự trợ giúp của Trung Quốc, nhưng giới nghiên cứu đã dự đoán đó là một sự trợ giúp vô cùng lớn. Lớn đủ để giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng đã nắm được ‘thóp’ của Việt Nam, và do đó đủ để làm giới lãnh đaọ chóp bu Trung Quốc sốc khi chứng kiến sự ‘phản bội’ và ‘vong ơn’ của Việt Nam sau năm 1975, đến nỗi Trung Quốc phải cho Việt Nam ‘một bài học’.
Vậy nền tảng để đưa ra bài học đó là gì?
Cuốn sách ‘Building Ho’s Army – Chinese Military Assistance to North Vietnam’ (Xây dựng bộ đội ông Hồ – Sự trợ giúp của quân đội Trung Quốc đối với Bắc Việt Nam) của Lí Hiểu Bình nhằm phác hoạ cơ bản vai trò của Trung Quốc trong việc xây dựng ‘bộ đội cụ Hồ’ trong suốt thời kì chiến tranh Việt Nam. Đồng thời cung cấp các tài liệu và phân tích sự mâu thuẫn, và bất mãn giữa nhiều lãnh đạo Việt Nam khi Trung Quốc đóng vai trò anh cả (big brother) trong suốt quá trình này. Tác giả cũng cho rằng sự viện trợ của Trung Quốc dù lớn, cũng không làm giảm đi các căng thẳng giữa hai bên, và không cải thiện được mối quan hệ Việt – Trung dẫn đến sự gia tăng mất niềm tin, và chiến tranh ở cuối thập niên 70. Về cơ bản, cuốn sách đi vào tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao Mao chủ tịch lại đồng ý, và ngay lập tức trợ cấp, giúp đỡ Hồ chủ tịch xây dựng quân đội, từ một nhóm lính cần nông đến một đội quân máu chiến; các sự trợ giúp được diễn ra như thế nào với phạm vi, quy mô ra sao; và căng thẳng, xung đột đã sinh sôi nảy nở như thế nào dưới một mối quan hệ được cho là thắm thiết, để dẫn đến cuộc chiến đẫm máu năm 1979.
Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam 1950 – 1960
Theo các tài liệu mà Lí Hiểu Bình nêu ra trong cuốn sách (hầu hết các tài liệu được sử dụng trong cuốn sách này là nguồn của các cơ quan Đảng, quân đội và nhà nước Trung Quốc, cũng như các cuộc phỏng vấn và hồi ký của những người lính Trung Quốc tham chiến). Trong vòng 6 năm từ 1950 đến 1956, Trung Quốc đã cung cấp cho Bắc Việt Nam gần như toàn bộ những gì mà ông Hồ Chí Minh yêu cầu, bao gồm: 115.000 súng hạng nhẹ, 58 triệu băng đạn, 4.630 khẩu pháo, hơn một triệu đầu pháo, 840.000 lựu đạn, 1200 phương tiện vận tải các loại, 1,4 triệu quân phục, 14.000 tấn lương thực, 26.000 tấn nhiên liệu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cung cấp cho Bắc Việt Nam các loại hàng hoá, nhiên vật liệu khác trị giá ước tính khoảng 43,2 triệu đô la. Tiếp nhận và điều trị cho 1.143 lính Bắc Việt bị thương tại căn cứ quân đội Trung quốc gần biên giới Việt Nam. Đào tạo về quân sự, công nghệ, chuyên môn, y tế cho hơn 25.000 nhân viên tại Trung Quốc. Tính đến cuối năm 1954, Trung Quốc đã giúp Bắc Việt thành lập năm sư đoàn bộ binh, trong đó có một sư đoàn pháo binh, một sư đoàn pháo phòng không, và một trung đoàn cảnh vệ. Một số trung đoàn được đào tạo hoàn toàn tại Trung Quốc, như Trung đoàn 88, Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn 308 với khoảng 12.000 lính; Trung đoàn 165, Trung đoàn 174, và Trung đoàn 209 thuộc Sư đoàn 312. Tại thời điểm đầu tiên của sự trợ giúp, có khoảng 570 cố vấn quân sự làm việc tại các đơn vị quân đội của Bắc Việt, trong đó có 10 thiếu tướng, 3 trung tướng, một thượng tướng, và một đại tướng thuộc PLA. Kể từ khi thành lập quân đội năm 1944 với 34 lính nông dân đến khi kết thúc kháng chiến chống Pháp, Bắc Việt Nam đã thiết lập đội quân hùng mạnh với 230.000 quân thường trực, và khoảng hơn 120.000 dân quân địa phương. Đến tháng 4 năm 1956, số quân thường trực của Bắc Việt đã lên đến 320.000 quân, bao gồm cả bộ binh, không quân và hải quân. Tính đến cuối năm 1960, tổng số viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam lên đến 1.9 tỉ đô la, chiếm 1/3 tổng số viện trợ nước ngoài của Trung Quốc.
Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam 1965 – 1974
Giai đoạn từ năm 1954, khi Bắc Kinh mở đại sứ quán tại Hà Nội, Mao bắt đầu cân nhắc can thiệp sâu hơn vào chiến tranh Việt Nam khi cảm nhận được mối đe doạ của phương tây. Nhất là trong bối cảnh Hoa Kì bắt đầu xây dựng các căn cứ quân sự xung quanh Trung Quốc ở Nhật, Nam Hàn, Philipines, và cuối cũng sẽ là Nam Việt Nam. Từ năm 1965 đến 1968, Trung Quốc gửi 23 sư đoàn bộ binh tham chiến với khoảng 320.000 quân, nhưng chủ yếu làm các công tác hậu cần phía Lào, dọc theo đường mòn HCM. Đỉnh điểm vào năm 1967 có khoảng 170.000 lính Trung Quốc trực tiếp tham chiến, trong đó có 44.000 lính tham gia các trận đánh và phòng thủ khi Mĩ dải bom miền Bắc. Tính đến năm 1973, tại chiến trường Lào – Việt Nam có 1.984 lính Trung Quốc bị giết, và 7.600 bị thương.
Tính đến năm 1974, Trung Quốc đã cung cấp cho Bắc Việt 2.14 triệu súng trường và súng tự động các loại, 1.2 tỉ băng đạn, 70.000 khẩu pháo, 18.1 triệu đầu pháo, 170 máy bay chiến đấu, 176 pháo hạm, 552 xe tăng, 320 phương tiện quân sự, 16.000 xe tải, 18.240 tấn thuốc nổ, 11.2 tỉ bộ quân phục. Trong những năm 1971-1972 Trung Quốc cũng bắt đầu cung cấp cho Bắc Việt 180 tên lửa phòng không cho chính Trung Quốc sản xuất, cùng với các loại thiết bị khác. Như vậy, trong tổng thời gian chiến tranh Việt Nam, tổng các khoảng viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt trị giá 20 tỉ đô la.
Cùng với rất nhiều căng thẳng, bất đồng, mâu thuẫn trong quá trình hợp tác, trợ giúp giữa Trung Quốc với Việt Nam trong khuôn khổ tình đồng chí cộng sản; và “sự nồng thắm đột ngột giữa Việt Nam với Liên Xô đầu những năm 70 trên lưng Trung Quốc’ (ít nhất là trong suy nghĩ của Đặng Tiểu Bình) chính là nền tảng mà Đặng Tiểu Bình muốn ‘dạy cho Việt Nam một bài học’.
Nhưng liệu có phải như vậy? Có phải Đặng Tiểu Bình chỉ đơn giản muốn ‘dạy Việt Nam một bài học’?