Hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới của Phần Lan hoạt động như thế nào

Hệ thống giáo dục của Phần Lan gần đây đang nhận được rất nhiều sự ngợi ca, nó được xếp hạng là một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới và đang thế hiện sự nổi trội hơn so với hệ thống của Mĩ về khía cạnh đọc hiểu, khoa học và toán học. Hơn thế nữa, hệ thống giáo dục của Phần Lan đã trở thành một sản phẩm giáo dục hàng đầu kể từ năm 2000 khi áp dụng chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Program for International Student Assessment – PISA) được thực hiện ba năm một lần.

Nếu bạn hỏi ai đó về những điều tuyệt vời ở các trường học Phần Lan, bạn sẽ được cung cấp những điều thú vị. Ví dụ như thời gian đến trường ngắn, và không có những kì thi hay kiểm tra bắt buộc nào.

Toàn bộ cấu trúc của hệ thống giáo dục Phần Lan hoạt động dưới sự điều chỉnh của những nguyên tắc nền tảng rằng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là quyền hiến định, và mỗi người nên được tự do lựa chọn con đường học vấn của mình mà không có bất kỳ giới hạn nào.

Dưới đây là cách thức vận hành hệ thống giáo dục của Phần Lan dưới sự soi chiếu của hai nguyên tắc cơ bản nêu trên.

Trẻ em được giáo dục từ sớm

Chương trình giáo dục sớm đối với trẻ em của Phần Lan được thiết kế dựa trên những khái niệm học và chơi (learning through play). Hãy tưởng tượng rằng bạn là một người mẹ ở Phần Lan. Bạn nhận được những trợ cấp của chính phủ về thời gian nghỉ thai sản, hay những trợ cấp thai sản khác, thậm chí cả một chiếc hộp chăm sóc trẻ sơ sinh. Do đó bạn cảm thấy thoải mái trong những tháng sinh đẻ đầu tiên ở một trong những quốc gia tốt nhất để nuôi dưỡng những đứa trẻ. Bây giờ bạn bắt đầu nghĩ đến việc lựa chọn phương cách giáo dục cho con bạn.

Những trẻ em ở Phần Lan không bắt buộc phải đến trường cho đến khi chúng lên sáu, thời điểm bắt đầu của giáo dục tiểu học. Các phụ huynh hoàn toàn chủ động trong việc nuôi dạy con em mình ở những năm đầu đời này bằng các hoạt động vui chơi và gắn kết với chúng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cho con bạn bắt đầu một hành trang giáo dục sớm, hệ thống giáo dục của Phần Lan cũng cung cấp chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ em (Early Childhood Education and Care – ECEC) ở những năm đầu đời này. Theo trang web của Trung tâm Giáo dục Quốc gia Phần Lan, chương trình là sự kết hợp của phương thức học qua chơi nhằm hướng đến sự phát triển cân bằng cho trẻ. Mặc dù ECEC được hướng dẫn bởi Chương trình giáo dục nền tảng Quốc gia, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đối với dịch vụ ECEC với quyền tự quyết khá rộng, cho phép các trường học địa phương quyền quyết định liên quan đến các vấn đề ngân sách, quy mô lớp học hay về mục tiêu đào tạo.

Các bậc phụ huynh sẽ phải chịu một khoản phí nhỏ, khoảng 14% cho hoá đơn toàn khóa học, do phần lớn đã được hỗ trợ bởi chính phủ. Tuy nhiên học phí 14% này không phải được tính trên mỗi học sinh, mà được tính trên mỗi hộ gia đình riêng lẻ dựa trên mức thu nhập và số lượng trẻ em trong gia đình đó. Chương trình đào tạo sớm cho trẻ em ở Phần Lan đã trở nên phổ biến với khoảng 80% trẻ em ở độ tuổi từ 3 – 5 đăng ký vào các lớp học.

Giáo dục cơ bản (Bữa ăn miễn phí)

Khi con bạn bước vào năm thứ bảy của cuộc đời, đó là thời gian hợp lý cho giáo dục cơ bản. Phần Lan không phân chia chương trình giáo dục cơ bản thành các bậc tiểu học hay trung học cơ sở, thay vào đó là một chương trình 9 năm liên  tục với 190 ngày đến trường mỗi năm. Cũng như chương trình ECEC, các nhà làm chính sách tạo một không gian khá thoải mái cho các trường học và giáo viên để chỉnh sửa lại chương trình học, nhằm tạo điều kiện tốt nhất đối với những học sinh đặc biệt hoặc học sinh có khiếm khuyết về thể chất, tinh thần.

Theo Trung tâm Giáo dục Quốc gia Phần Lan, mục tiêu của chương trình giáo dục cơ bản nhằm để hỗ trợ quá trình phát triển của học sinh hướng đến lòng nhân ái và trở thành những cá nhân có trách nhiệm, đạo đức trong xã hội. Thêm vào đó, chương trình hướng đến cung cấp những kiến thức và kĩ năng cần thiết trong cuộc sống cho học sinh. Sự tự chủ của các trường còn bao gồm các quyết định liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh, và cả các vấn đề liên quan đến thời khoá biểu hàng ngày và hàng tuần.

Những quyền tự quyết kiểu như này thường làm cho các phụ huynh lo lắng, rằng sẽ như thế nào nếu con bạn dành cả ngày để học về những điều vô bổ, dù rằng đó là những điều khá thú vị. Tuy vậy, những bậc phụ huynh ở Phần Lan không cần phải quá lo lắng về điều này, bởi vì việc dạy học ở đây được đề cao và đó là một lĩnh vực chuyên sâu. Hầu hết các giáo viên đều có bằng thạc sĩ, riêng đối với các giáo viên thuộc chương trình giáo dục cơ bản việc có bằng thạc sĩ là điều bắt buộc. Có 80% giáo viên của chương trình giáo dục cơ bản tham gia vào những khoá đào tạo chuyên nghiệp nhằm không ngừng phát triển kiến thức và kĩ năng. Điều này nhằm để đảm bảo rằng việc dạy học ở Phần Lan dần trở thành một khoa học giáo dục – điều đã được truyền cảm hứng một cách hợp lý từ nền sư phạm Mỹ qua nhiều năm.

Pasi Sahlberg – nhà nghiên cứu, nhà giáo dục học Phần Lan đã viết trên báo Washington Post rằng ‘dễ hiểu rằng tư duy giáo dục thực dụng, lấy trẻ em làm trung tâm của John Dewey đã được chấp nhận rộng rãi trong các nhà giáo dục Phần Lan’.  Nhiều trường học ở Phần Lan đã áp dụng quan điểm giáo dục dân chủ của Dewey bằng cách tăng cường khả năng tự quyết định đối với cuộc sống của học sinh cũng như việc học tập của chúng ở trường.

Trung tâm Giáo dục Quốc gia Phần Lan thúc đẩy sự tự đánh giá và cải thiện đối với các trường và giáo viên của họ. Đối với chương trình giáo dục cơ bản, Phần Lan không thực hiện bất kỳ một kỳ kiểm tra bắt buộc nào, mặc dù vậy họ có thực hiện những bài đánh giá kết quả học tập ở phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, các đánh giá trong chương trình giáo dục cơ bản của Phần Lan là dựa trên mẫu chứ không toàn diện, và nó cũng không được dùng để xếp hạng các trường hay để quyết định việc các trường sẽ được cung cấp ngân sách như thế nào. Thay vào đó, việc đánh giá dường như nhằm để tiếp cận chất lượng giảng dạy của các trường và để cung cấp cho các nhà quản trị nhằm những mục đích phát triển.

Trung học phổ thông ở Phần Lan

Sau giáo dục cơ bản chín năm, học sinh có thể chọn tiếp tục học lên trung học phổ thông, và điều này không phải là bắt buộc. Mặc dù vậy, khoảng 90% học sinh ở Phần Lan chọn học trung học phổ thông ngay sau khi dời khỏi những mái trường của giáo dục cơ bản, 10 phần trăm còn lại có thể chọn để học trung học phổ thông ở những thời điểm khác mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.

Trung học phổ thông được chia thành đào tạo chung (giáo dục phổ thông) và đạo tạo nghề và cùng trải qua thời gian đào tạo là ba năm. Giáo dục phổ thông được tổ chức dưới hình thức các khoá học (coursework), tuy vậy học sinh được khá thoải mái trong việc lên kế hoạch học tập. Đến cuối kỳ học, học sinh được yêu cầu tham gia kì thi kiểm tra quốc gia, những điểm số này được sử dụng như một phần của hồ sơ ứng tuyển vào cao đẳng, đại học.

Đối với đào tạo nghề thì chủ yếu tập trung vào vấn đề hướng nghiệp và kết hợp giữa đạo tạo nghề cùng với chương trình học tập phổ thông ở trường. Có khoảng 40% học sinh chọn đào tạo nghề sau khi hoàn thành khoá giáo dục cơ bản. Các học sinh của khoá đào tạo nghề sẽ nhận chứng nhận đào tạo sau khi hoàn thành một kế hoạch học tập cá nhân.

Điều đáng chú ý trong chương trình giáo dục trung học phổ thông là học sinh không hoàn toàn bị trói buộc trong những sự lựa chọn nhất định nào (giáo dục phổ thông hoặc đào tạo nghề). Với sự tận tâm hướng đến giáo dục và khả năng ra quyết định của các cá nhân, các chương trình giáo dục của Phần Lan đều có thể được hoà nhập nhằm hướng đến tinh thần khám phá cái mới và sáng tạo của học sinh.

Giáo dục đại học và sau đại học

Những học sinh đã hoàn thành xuất sắc khoá học ở cấp bậc trung học phổ thông không cần phải lo lắng về khả năng chi trả cho các chương trình giáo dục đại học, vì giáo dục đại học là hoàn toàn miễn phí.

Một điều cần ghi nhớ rằng, bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục là quyền hiến định trong pháp luật Phần Lan. Học sinh chỉ được yêu cầu chi trả chi phí cho việc mua sách, phương tiện đi lại hay những cung cấp khác từ nhà trường. Hơn thế nữa, các trường đại học cũng cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính cho sinh viên của mình.

Các trường đại học của Phần Lan được chia làm hai loại, bao gồm đại học (Universities) và đại học ứng dụng khoa học (Universities of applied sciences) với sự nhấn mạnh các ứng dụng thực tiễn. Học sinh sẽ lấy bằng cử nhân sau khi hoàn thành 4 năm học toàn thời gian, bao gồm các môn học bắt buộc, các môn tự chọn và một dự án (có thể là khoá luận tốt nghiệp). Đối với các chương trình thạc sĩ, khoảng thời gian sẽ kéo dài từ năm đến sáu năm và sinh viên được cho phép học lên thạc sĩ ngay sau khi hoàn thành khoá đào tạo cử nhân.

Trong trường hợp học sinh đã hoàn thành khoá đào tạo nghề, họ có thể tiếp tục con đường học đại học, đặc biệt đối với các trường đại học ứng dụng khoa học với những khoá đào tạo được thiết kế dễ dàng để thích nghi.

Phần Lan coi trọng công bằng xã hội và mong muốn xây dựng một lực lượng lao động cạnh tranh, do vậy đào tạo người thành niên được thúc đẩy mạnh mẽ. Các doanh nghiệp có thể yêu cầu để phát triển nhân viên, còn những người thất nghiệp thì được cung cấp các khoá đào tạo lao động. Tuy nhiên, việc đào tạo người thành niên không miễn phí như các chương trình đạo tạo cơ bản hay phổ thông, nhưng cũng được trợ  cấp khá nhiều, dựa trên hoàn cảnh của mỗi cá nhân.

Câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào mà Phần Lan  có thể tạo nên một hệ thống giáo dục toàn diện và phổ quát như vậy cho mọi công dân. Câu trả lời khá đơn giản, đó là: sự chung sức của cả cộng đồng. Bên cạnh việc đề cao quyền được học tập trong hiến pháp, người Phần Lan coi trọng giáo dục và đầu tư nhiều thời gian, công sức để xây dựng một hệ hống nghiên cứu giáo dục tốt nhất mà 80% những nghiên cứu đó đến từ Mỹ.

Đối với những quốc gia khác có mong muốn học tập hình mẫu của hệ thống giáo dục Phần Lan, họ không cần phải sao chép, nhưng họ cần sự mãnh liệt và nhiệt tâm trong việc định nghĩa tầm quan trọng của giáo dục đối với đất nước.

Nguồn: ‘How does Finland’s top-ranking education system work?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s